Đoan Trường mặc áo dài đính 300 viên đá quý, viếng chùa ở cố đô Luang Prabang

Trong lần thứ 2 trở lại Lào sau 10 năm, Đoan Trường đã dành thời gian khám phá 3 thành phố Luang Prabang, Vang Viêng và Viêng Chăn vào những ngày cuối tháng 12 vừa qua. Anh xúc động vì lần này đã có được những trải nghiệm khá lạ, dù Lào có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử, văn hóa. Anh ‘diện’ áo dài Việt Nam đi chùa dâng hương, tham dự cúng dường theo nghi thức Phật giáo Nam tông, du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Mekong tại cố đô Luang Prabang.


Luang Prabang bao gồm 58 làng liền kề, trong đó có 33 làng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1995, nhờ kiến ​​trúc, tôn giáo, văn hóa độc đáo được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận khá nguyên vẹn qua hàng thế kỷ.

Tại đây còn có các địa điểm tham quan thú vị như Đền Wat Xieng Thong, Thác Kuang Si, Bảo tàng cung điện Hoàng Gia, Đền Wat Wisunarat, Núi Phou Si.


Phố phường Luang Prabang đẹp và thanh bình với những ngôi nhà gỗ hai tầng, mái ngói được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Đoan Trường cho biết chợt có cảm giác như đang đi giữa phố cổ Hội An. Du khách có thể chạy xe đạp trên những con phố rộng rãi, tản bộ trong những ngõ hẻm được lát bằng gạch hay ngồi nhâm nhi ly nước trái cây, thưởng thức những món ăn vặt như chuối nướng, hạt dầu hay những thực đơn phong phú Á - Âu trong các nhà hàng ven sông lúc hoàng hôn buông xuống.


Mỗi buổi sáng từ lúc 6g, hàng trăm nhà sư từ các chùa khác nhau đi bộ qua các đường phố để hành khất. Mọi người, mọi nhà đều chuẩn bị những mâm thức ăn, khăn rằng quấn chéo vai để dâng đồ hành lễ. Quang cảnh buổi sáng cáng tuyệt vời hơn với lối kiến trúc Lào và Pháp đan xen, len lỏi dưới ánh bình minh sẽ là nơi bạn lưu lại những tấm hình đẹp nhất.


Lễ vật là những đồ chín, thường là xôi nếp được đặt gọn gàng trong những giỏ tre, ngoài ra còn có cả bánh, kẹo hay ít tiền lẻ. Các nhà sư sau khi nhận, chỉ giữ lại một phần suất ăn đủ dùng trong ngày trước bữa trưa, phần còn lại sẽ tặng lại những người nghèo.


Nếu đi dạo trên phố về đêm thì sau 21 giờ, đường phố sẽ vắng hoe trừ ra các khu chợ đêm nhộn nhịp chủ yếu dành cho khách nước ngoài. Luang Prabang có nhiều món ăn đặc biệt như cá nướng, gà nướng, xôi, rong Mekong nướng, nộm, rêu.


Sông Mê Kông có chiều dài khoảng 4350 km và là con sông lớn nhất Đông Nam Á. Khi vào những tháng mùa khô có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở 2 bên bờ sông Huay Xai và Luang Prabang. Ngắm hoàng hôn trên sông Mekong cũng là một trong những trải nghiệm thú vị nhất để có được một chuyến đi ấn tượng.


Thử thách leo 300 bậc thang đi bộ lên Núi Phousi cao 150 m, một trong những địa danh chính của Luang Prabang, với một cầu thang dẫn đến đền Wat Chom Si nhìn ra quang cảnh toàn thành phố và dòng sông uốn lượn bên dưới.


Với bề dày lịch sử cư trú hàng nghìn năm, nơi đây từng là thủ đô hoàng gia Lào cho đến năm 1975. Luang Prabang được biết đến với nhiều ngôi chùa Phật giáo cổ như chùa Wat Xieng Thong mạ vàng có từ thế kỷ 16.


Lối kiến trúc đặc thù Lào với mái cong vút kéo dài xuống gần mặt đất, nội thất là những phù điêu, điêu khắc tinh xảo dựa theo Phật tích. Trưa nắng yên bình, gió từ sông Mekong thổi về mát rượi từng cơn. Từ trên sườn núi, du khách tha hồ phóng tầm mắt bao quát cả cố đô thơ mộng, chìm trong màu xanh của cây lá, màu nâu đỏ của mái ngói.


Các ngôi chùa, cung điện, bảo tàng, tu viện tại cố đô xuyên suốt qua nhiều thế kỷ được xây dựng theo kiến trúc bản địa hài hòa cùng kiến trúc Phật giáo tuy không hoàng tráng nhưng những chi tiết rất tinh xảo.


Ghé Luang Prabang, nhớ lên thác Kuangsi chia làm 5 tầng, mỗi tầng có vẻ đẹp khác nhau, tầng 1 là ngọn thác có chiều cao 60m, lúc dịu dàng, lúc mạnh mẽ theo con nước đổ xuống từ trên núi cao, có mà xanh ngọc bích, được hình thành và chạy xuyên qua các núi đá vôi nên không rêu hoá.


Những hồ nước để bơi tự nhiên xen kẽ những cây cổ thụ to hùng vĩ, đây cung là nơi bảo tồn hệ sinh thái gấu Châu Á độc đáo. Đường tới thác cũng là dịp được ngắm phong cảnh Lào thật đẹp và thanh bình. Du khách thập phương đến Kuang si không chỉ để chiêm ngưỡng những bậc thác lãng mạn mà còn để thả bộ trong rừng cây mát mẻ, sạch sẽ và thăm khu nuôi dưỡng gấu.


Mọi người cũng đừng quên ghé thăm Cung điện Hoàng gia Lào, được xây dựng từ năm 1904. Từ năm 1975, khi nước Lào được giải phóng và thủ đô chính thức chuyển về Viêng Chăn, cung điện trở thành Bảo tàng Hoàng gia. Những hiện vật như giường, tủ, bàn, ghế…đã tái hiện lại cuộc sống của Hoàng gia một thời. Đáng chú ý là những bức tranh phỏng theo những câu chuyện cổ tích Lào được các nghệ nhân tài hoa phóng tác bằng những mảnh sứ Nhật Bản thay cho gạch ốp tường. Bảo tàng cũng trưng bày khá nhiều quà của các nước tặng vua Lào, trong đó có lá cờ thêu chữ vàng về tình đoàn kết Việt-Lào do Ủy ban hành chính Hà Nội tặng. Vào bảo tàng, du khách không được phép chụp ảnh và phải gửi túi xách bên ngoài.


Điều kỳ lạ là các hoạt động vui chơi, giải trí ở Lào rất ít. Các quán ăn đều đóng cửa trước 22 giờ. Nếu muốn mua cái gì thì phải mua trước 16 giờ ngày thứ sáu, vì cuối tuần các cửa hàng đều đóng cửa. Các khu chợ đêm cũng khá nghèo nàn, không niêm yết giá. Khách hỏi thì người bán lấy máy tính ra bấm con số, khách trả giá thì bấm số lại như thập niên 90. Nơi đây, người dân bán các nông sản, hàng dệt may bằng tay, quần áo, giày dép, khăn choàng, đèn lồng. Anh luôn có thói quen đi dạo chợ đêm để ‘tậu’ về các món quà lưu niệm như cờ, dù, nón, đèn, mô hình, miếng dán tủ lạnh.


Ấn tượng nhất trong chuyến đi đối với anh là sự kết hợp hoành tráng giữa cổ điển và hiện đại trong thiết kế bên ngoài và nội thất bên trong của các nhà ga như Luang Prabang có 2 sân ga, 4 đường ray, sảnh chứa 1.200 hành khách. Mái nhà ga cách điệu hình ảnh một con chim đang tung cánh bay lên bầu trời. Tại các sân ga luôn có nhiều xe tuk tuk đưa đón hành khách vào trung tâm thành phố chỉ với giá 50 ngàn kíp Lào/ 1 người (khoảng 60 ngàn đồng) rất thuật tiện, mất khoảng 15 phút.


Chặng Luang Prabang quay về Viêng Chăn dài hơn 300 km, giá vé là 393 ngàn kíp Lào (khoảng 464 ngàn vnđ). Anh xúc động nhớ lại 10 năm trước phải đi xe khách bằng đường bộ mất từ 10 đến 15 tiếng do đi vòng tránh nhiều đồi núi và các trạm dừng. Thế nhưng lần này anh chỉ mất chưa tới 2 tiếng khi trải nghiệm tuyến tàu hỏa cao tốc 160 km/h xuyên Lào đầu tiên của Đông Nam Á. (Hình 16)

Photo: Ngọc Thúy
Áo Dài: NTK Trần Được
Đơn vị thưc hiện: Vietravel

Ivan Nguyen

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: taichinhkinhdoanh@gmail.com